Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

VẾT THƯƠNG CÓ TÊN QUÊ CHA ĐẤT TỔ



VẾT THƯƠNG CÓ TÊN “QUÊ CHA ĐẤT TỔ” !


Tuổi thơ vui tươi của tôi rất ngắn, đâu chỉ được vài năm. Thời ấy gia đình tôi giàu có, sau nghe kể có hàng trăm mẫu ruộng, con số đáng kể tại một vùng quê ven biển. In vào ký ức non dại của tôi về gia đình mình không phải là đất mà là những dãy nhà lợp ngói ngang dọc nằm gọn trong bờ tre dày đặc, cũng có thể vì ruộng không nằm trong làng mà rải rác ở nhiều nơi khác do ông nội tôi tích cóp mua dần trong suốt đời lam lũ của ông.
      Tuổi thơ êm đềm ngắn ngủi, khi học lớp Nhì vào khoảng năm 1948 hay 1949 gì đó tôi đã nhìn thấy khuôn mặt của cha tôi trầm xuống, nhà ít tiệc tùng, giỗ tết cũng không đông vui như trước. Thời VM những người nhiều ruộng đất đang gặp vấn đề, cha tôi không phải một ngoại lệ. Dần dần tôi hiểu ra và biết đến khái niệm đất là thế nào khi số ruộng nhà mình vơi dần vơi dần do cha tôi hiến cho Kháng chiến, một lần tôi nghe được thế. Sau đấy, đất thành ra một chủ diểm tư duy của tôi cho đến suốt những năm về sau.
     “Trông trời trông đất trông mây”, đất trong tôi thành một trong hai nhân tố làm chỗ dựa cho con người và tôi hiểu vì sao vẻ mặt cha tôi ngày càng trầm xuống vào mấy năm trước. Cũng chưa có khái niệm tài sản khi nghĩ về đất, mà với tuổi thơ đất có ý nghĩa thiêng liêng hơn hẳn giá trị vật chất trao đổi. Năm 15 tuổi một mình đáp tàu thủy cùng hàng ngàn người vào Nam, chuyến tàu chót của cuộc di cư nên được đón tiếp long trọng tại bến cảng Sài Gòn. Từ trên boong tôi nhìn thấy tấm băng căng cao và rồi người ta lên tàu khiêng một thùng gọi là đất thiêng miền Bắc lên xe.
       Đất ngày càng trừu tượng hóa trong tôi. Tôi đọc để tìm hơi ấm của đất trong sách vở. Hình như bắt đầu từ Trình Giảo Kim trong Chinh Đông Chinh Tây. Mỗi khi thua trận hay ngao ngán cảnh binh đao, con nhà võ này hay về úp mặt xuống đất mẹ. Không hiểu ông tin thế nào nhưng cứ như truyện kể thì sau đó ông ta mạnh mẽ lên và chiến thắng! Hơi ấm của đất thật sự huyền diệu như thế?
       Sau đó là những truyện của Pearl Buck, tôi nhớ tên cuốn “Đất Lành” đọc khoảng năm học đệ Tam gì đó. Vào cuối thế kỷ 19 đầu 20, xã hội Trung Hoa cũng phức tạp như nền chính trị và khi Nhà Thanh bị lật đổ, các tỉnh thành của nước Trung Hoa nằm trong tay nhiều quân phiệt, nhiều nhóm đạo tặc. Trong hoàn cảnh bất ổn này,  người nông là những kẻ làm mướn, bị bóc lột do các địa chủ, họ còn bị bọn cướp quấy phá, bị lường gạt bởi các con buôn lúa gạo do bởi họ không biết đọc, không biết viết, họ bị thiếu ăn, bị khinh bỉ vì ngu dốt và hèn kém. Đây là những "con chim" mà người Cộng Sản đã khai thác làm hạt nhân trong cuộc cách mạng những năm sau đó..Lúc ấy tôi đã thấy có con chim không tìm ra đất đậu, mang tâm trạng bơ vơ, chim bay mỏi cánh và rơi xuống!
        Khi cuốn La Vingt cinquième heure của nhà văn Rumanie được dịch ra ở Sài Gòn tôi có thêm một cung bậc nữa về đất! Anh nông dân nước này Moritz yêu một cô gái và anh chỉ mơ có một miếng đất để làm phương tiện sinh nhai cùng với cô làm vợ. Chiều nọ, trước khi sang Nam Mỹ với mộng kiếm tiền về xây dựng tổ ấm, Moritz khi đi qua vườn đã vốc một nắm đất trong tay, nghe hơi đất ấm như cho thêm giấc mộng hiền lương của mình. Nhưng chuyến tàu ấy không bao giờ đến, người nông dân này thành kẻ khốn khổ tối tăm mặt mũi giữa những tai ương của cuộc chiến tranh toàn cầu giữa một bên phát xít lấy đạn bom mở rộng đất và bên kia lấy máu xương giữ đất!
      Đất và đất! Cuộc chiến ấy được viết lại vào thời trung học của tôi trong một cuốn khác, Bản du ca cuối cùng của những kẻ không còn đất sống, những đoàn người khu vực Đông Âu từ nước này trốn sang nước khác, đến đâu cũng bị từ chối và cuối cùng thành kẻ bơ vơ không còn đất sống. Đất không chỉ là tài sản dùng trong nông tang, đất còn là nơi người ta được tiếp nhận như những đứa con của một mẹ! Quê cha đất tổ, người VN thật hay, quê thì có thể mới một đời nhưng đất là nơi trải nhiều đời mới có được, nó có tuổi cao hơn quê! Không hiểu tự bao giờ, tôi cứ cho là trong các yếu tố dành cho con người như cây lá, đất, nước, trời, trăng, tiền, tình…thì đất tính hiền hơn cả, tình dữ hơn cả.
      Và ngày nay đất được đưa thành một kênh có rất nhiều nỗi truân chuyên. Đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước đại diện quản lý, người có dất chỉ có cái quyền sử dụng thay vì chính nó như mơ ước của chàng nông dân Moritz lãng mạn mà thật thà kia. Anh được cấp bằng lái xe và anh có thể lái nó nhưng nó, cái xe không thuộc sở hữu của anh.
    Sáng nay ngồi uống cà phê cạnh một chậu kiểng nhìn thấy đất thốt nhiên nhớ đến "đất" trong cuộc đời mình, tôi thật buồn, khái niệm đầy xúc cảm "Quê cha đất tổ” trong hồn tôi thành một vết thương!

                                                                                                          Cao Thoại Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét