CỬA CHÙA!
Tôi đã trải qua những ngày ấu thơ trong một ngôi
làng nhỏ, ngôi làng nhỏ này có một ngôi
chùa nhỏ, ngôi chùa có một ông thầy, mà
chúng tôi gọi là ông thầy chùa.
Những ngày
còn nhỏ, cũng không nghe ai nói, tôi không biết rõ là thầy ăn chay
hay ăn mặn, cũng không thắc mắc vì sao
thầy có vợ, có con. Thầy có nhiệm vụ giữ chùa, hương khói và
thỉnh thoảng chúng tôi thấy có người mời thầy đến nhà cúng
kiếng, tụng kinh gõ mõ. Lũ trẻ chúng tôi thường gọi thầy là Thầy Chùa vì
thấy thầy ở và coi sóc cho ngôi chùa của làng, thấy thầy thỉnh thoảng đi
cúng, nên có đứa gọi thầy là Thầy Cúng. Người Việt Nam vẫn lẫn lộn ba vị, là Thầy Tu, Thầy Chùa và Thầy Cúng, như những ngày
còn nhỏ, chúng
tôi không hề phân biệt, cứ nghĩ ba người cũng như một, cũng như chẳng hề biết sự khác nhau giữa các môn thể dục, thể thao và tập võ.
Chúng tôi coi ngôi
chùa làng là nơi yên tĩnh nhất, ở đó chỉ nghe có
tiếng tụng kinh gõ mõ, thỉnh thoảng còn
nghe
tiếng chuông chùa ngân nga, và vào những buổi trưa mùa hè,
thơ thẩn trong sân chùa chúng tôi còn nghe tiếng lá bàng
rụng trên sân. Chùa của tôi trong tuổi ấu thơ mê văn chương là ngôi
chùa mang tên Ðồi Mai trong “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, nơi thường có người đến xin nước trong giếng chùa để pha trà.
Chùa của tôi thời vùi mình trong thế giới của Tự Lực Văn Ðoàn
là ngôi chùa Long Giáng trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng. Chùa của tôi của thời mới lớn mơ mộng là ngôi
chùa Linh Mụ, mà mỗi chiều nghe hồi chuông, tôi có cảm tưởng như âm thanh
của tiếng chuông chùa có thể làm rung động được mặt nước trên
dòng sông Hương.
Tôi luôn luôn mang ý
nghĩ chùa luôn luôn là nơi tĩnh lặng và vắng vẻ nhất, nên khi lớn lên thấy chùa ở “chốn lao
xao”, gần gũi với trần tục, lòng tôi cảm thấy mất mát đi một điều gì. Trên
sân khấu “đời” được dựng lên tại một sân chùa mà bối cảnh có ghi
là ngày Ðại Lễ Phật Ðản, tu sĩ cùng lên sân khấu trình diễn với ca sĩ.
Trong khi một nam ca sĩ hát bài “Ðời Tôi Cô Ðơn” của Nguyễn Ánh 9 thì vị tu sĩ nhại lời bài hát
này thành “Ðời Tôi Ði Tu”. Ca sĩ vừa hát xong câu “đời tôi cô đơn, nên yêu
ai cũng đớn đau” thì thầy tiếp lời “đời tôi đi
tu nên tôi phải ăn chay...” Trong tiếng nhạc xập xình và
tiếng reo hò cổ vũ của “thiện nam tín nữ”, tu sĩ này lại “tự biên tự diễn” hát tiếp: “Ðời tôi đi tu nên tôi phải mặc áo nâu”,
rồi “đời tôi đi tu nên phải cạo đầu... không
để râu!” Một tu sĩ trẻ tuổi khác lên sân khấu choàng cho thầy một vòng
hoa, rồi quý tín nữ reo hò: “bis... bis”. Nói theo văn chương bình
dân: thiệt là vui hết biết! Hoạt cảnh này được phổ biến trên You Tube khắp nơi cho bà
con xa gần biết đến giọng hát của thầy. (http://www.youtube.com/watch?v=yfUbz_gy8xk)
Vị này thích
ánh đèn sân khấu đã đành, nhưng lại đem chuyện tu hành
lên đây mà diễu cợt để mua tiếng cười của bá tánh, thật khó coi. Người đến chùa lại không ý
thức được sự việc, thấy thầy lên sân khấu hát hỏng, mà lại hát tếu thì lấy làm vui
như gặp được Bảo Quốc, Tùng Lâm. Có vị nữ tu lại lên sân
khấu, mặc áo rằn ri, đóng vai người lính VNCH để hát bài
“Tình Anh Lính Chiến”, thật là đem chuyện trần tục vào chốn thiền môn.
Ngày nay nhạc đạo, nhạc thiền không có
mấy vì không có ai sáng tác, sáng tác ra không có người hát.
Không ai đem nhạc đạo vào khiêu vũ trường hay sòng bài, nhưng nhạc đời bây giờ đem vào
chùa chiền quá nhiều, ca nhạc cho người đến chùa vui, chỗ nào vui thì đông người, đông người có chuyện “hùn phước” lớn, phước lớn thì chùa
lớn, chùa lớn thì thầy vui mà đệ tử cũng vui. Thói đời, người ta thích
lui tới chùa lớn hơn là đi chùa nhỏ. Không có bản nhạc tình ái
nào bị cấm hát trong sân chùa, nên từ “anh yêu em”, hay “tình phụ tình lỡ”, những gì than
vãn,
khổ đau của cuộc đời này đều được các ca sĩ đem vào chùa. Có khi vị trụ trì ngồi chủ tọa buổi ca nhạc, được người MC kính
cẩn thưa: -“Thưa Thầy Thầy thích yêu cầu bài gì?” -“Mình ơi!” Thầy đáp,
không cần một giây suy nghĩ. Ðám đông reo hò. Xin quý vị một tràng pháo tay! Vui quá là vui! Ca sĩ
thì đương nhiên phải phấn son, ăn mặc hấp dẫn, đôi khi thiếu kín đáo, đó là chưa nói chuyện hở hang đang
đứng trên bục cao. Vào chùa mà hát nhạc đạo thì ai
nghe, người ta kêu buồn ngủ!
Tại một ngôi
chùa lớn, trong một ngày lễ lớn tại Texas,
tác giả bài viết này có dịp tham dự, đã mục kích chuyện ca sĩ “lơn” nhau trên sân khấu. Nam ca sĩ nổi tiếng này được mời từ Cali
sang, sau một màn song ca, đã cao hứng nói với nữ ca sĩ:
“Em ơi! Có một việc mà anh làm một mình không được! Em giúp
anh đi!” Thế mà đám đông trần tục cũng cười rồi vỗ tay.
Vì sao bây giờ chùa lại gần chợ đông vui,
có đốt pháo múa lân, không khác gì đời. Chùa
xây gần chợ nghĩa là đem đạo vào đời, để cảm hóa, xây
dựng con người nhưng đem nhạc tình ái vào chùa là đem đời ô trọc vào đạo. Thay vì
người có lòng với đạo, cổ xúy cho nhạc đạo, hát lên cho lòng thanh thản trong sạch, đó là
công đức, còn như lấy điều vui làm trọng là phá đạo. Chùa
chiền không phải là nơi thi hoa hậu, dù là hoa hậu áo lam, cũng phải là nơi cổ xúy loại nhạc “yêu em
thật lâu, yêu em thật sâu”. Nếu ngày nay
lên chùa là vì ham vui, hay làm cho chùa vui để thiên hạ đến chùa cho
đông, thì đạo Phật chẳng mấy chốc mà suy vi. Chốn thiền môn mong được nghe tiếng kinh kệ và mùi trầm hương, không phải là nơi đượm mùi son
phấn và lời ca hát trần tục. Tại Mỹ, tôi là người đã có dịp, mới đây thôi, gặp gỡ nhiều tu sĩ
còn trẻ tuổi, lớn lên sau năm 1975, được đào tạo tại Việt Nam, đã
được gửi đi du học ở Ấn Ðộ, hút thuốc và uống bia một cách công khai trước mắt tôi, như vậy làm sao
biết được những hành động khác ở chốn riêng tư.
Cảnh và người thay đổi quá nhiều, mà lòng
đứa trẻ năm xưa, dù ngày nay đã trở thành một ông già
gần đất xa trời, vẫn không có gì thay đổi, vẫn như còn nghe
tiếng lá bàng rụng trong sân chùa của những ngày
tháng cũ.
Huy Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét